Blog Post

“Smart city không được bỏ rơi người khuyết tật”

“Khi tính đến việc lập smart city (thành phố thông minh) bằng cách xây mới hay hoán chuyển một thành phố cũ, cần nhận thức rằng mọi người dân – bao gồm người khuyết tật – đều phải được hưởng lợi từ việc tiếp cận công nghệ”.

Đó là chia sẻ của James Thurston – chuyên gia quốc tế về giải pháp smart city – với Khoa học và Phát triển.
Thưa ông, ông định nghĩa thế nào là một smart city theo cách hiểu chung?
Hiện có quá nhiều định nghĩa và cách hiểu về một smart city, thậm chí có thể gây khó hiểu. Định nghĩa mà tôi tâm đắc nhất của tổ chức Smart Cities Council (Mỹ) nêu rõ “smart city là thành phố sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) để nâng cao chất lượng cuộc sống, môi trường làm việc và sự bền vững”.
Ông James Thurston. Ảnh: Đình Nguyễn

 

Tôi thích khái niệm này vì nó tập trung vào việc sử dụng ICT và cả chất lượng sống của người dân. Khi thực hiện dự án smart cities for all (thành phố thông minh cho mọi người), chúng tôi cho rằng công nghệ sử dụng tại các smart city phải vừa thực hiện mục tiêu số hóa, vừa đảm bảo công bằng cho mọi người dân, bao gồm cả người khuyết tật và người già.
Ông có thể liệt kê một số smart city mà ông cho là đang vận hành thành công?
Năm 2016, chúng tôi khảo sát hơn 250 chuyên gia trên toàn thế giới để hiểu rõ hơn những thách thức mà các smart city đối mặt cũng như yếu tố người khuyết tật, người già được tính đến như thế nào. Kết quả cho thấy các smart city hiện nay thường thất bại trong việc tính toán khả năng tiếp cận ICT và kỹ thuật số hai đối tượng này. Tuy nhiên, một số thành phố đang có bước đi rất tốt, như New York khi xây dựng smart city chỉ mua những công nghệ mà tất cả mọi người – bao gồm người khuyết tật – có thể tiếp cận.
Thử nghiệm xe lăn điện Genny trên đường phố Nhật Bản. Ảnh: AFP
Ông có cho rằng hầu hết các thành phố trên thế giới sẽ dần chuyển sang giải pháp smart city như một xu hướng không thể tránh khỏi?
Có. Chúng tôi bị thuyết phục rằng các thành phố sẽ tăng cường sử dụng giải pháp công nghệ để hoạt động hiệu quả hơn. Thị trường và các số liệu đều cho thấy rõ thế giới đang đô thị hóa nhanh và các thành phố ngày càng phụ thuộc vào công nghệ để cung cấp dịch vụ. Hiện có 50% dân số thế giới sống trong các đô thị và tỷ lệ này sẽ là 70% vào năm 2050. IoT cũng đang tham gia mạnh mẽ vào cuộc sống và sẽ có 50 tỷ thiết bị kết nối Internet vào năm 2020 so với 10 tỷ thiết bị vào năm 2012.
Theo ông, yếu tố nào quan trọng nhất trong việc xây dựng một smart city?
Rõ ràng công nghệ là nền tảng của các smart city. Tuy nhiên, công nghệ chỉ là công cụ để cải thiện chất lượng sống, môi trường làm việc và tính bền vững của thành phố. Một chính sách tốt phải đảm bảo rằng người dân có quyền quyết định về công nghệ và mọi người – bao gồm người khuyết tật – đều được hưởng lợi từ dịch vụ của thành phố thông minh.
Hiện có hai xu hướng thành lập smart city là xây mới và hoán chuyển một phần thành phố hiện tại. Ông đánh giá thế nào về điều này?
Đây là thực tế rất năng động tại Việt Nam và các nước khác. Việc thiết kế một công nghệ mới để người khuyết tật có thể tiếp cận sẽ dễ dàng hơn là chỉnh sửa một công nghệ sẵn có. Tương tự, sẽ dễ và rẻ hơn nếu ta xây mới một smart city so với thay đổi thành phố sẵn có. Tuy nhiên, khi tính đến việc xây mới hay hoán chuyển, điều quan trọng là cần nhận thức rằng mọi người dân – bao gồm người khuyết tật – đều phải được hưởng lợi từ việc tiếp cận ICT.
Việt Nam có hơn 7 triệu người khuyết tật, chiếm khoảng 8% dân số. Ông có lời khuyên gì về việc hỗ trợ họ trong các dự án xây dựng smart city?
Kết quả cuộc khảo sát 250 chuyên gia mà tôi đã đề cập có thể là lời khuyên tốt cho các smart city tại Việt Nam. Có 77% số chuyên gia cho rằng các smart city cần tính đến người khuyết tật ngay từ khâu lập kế hoạch, 68% khuyên dành tài chính cho việc đảm bảo tiếp cận ICT, 65% gợi ý đưa yêu cầu về khả năng tiếp cận cho mọi đối tượng khi mua bất cứ công nghệ nào. Điều này sẽ đảm bảo công bằng cho người dân và buộc các công ty công nghệ tính đến yếu tố khả năng tiếp cận của mọi người – bao gồm người khuyết tật – khi xây dựng sản phẩm và dịch vụ công nghệ.
Xin cảm ơn ông!
Ông James Thurston (làm việc tại Atlanta, Mỹ) là Phó Chủ tịch Tổ chức toàn cầu G3ict – nơi đang thực hiện dự án Smart cities for all – nhằm phá bỏ rào cản cho những người khuyết tật khi tiếp cận các thành phố thông minh trên khắp thế giới. G3ict đang nhận sự hỗ trợ tài chính từ Tập đoàn Microsoft.

 

Đình Chính (Thực hiện)

Content retrieved from: http://khoahocphattrien.vn/cong-nghe/smart-city-khong-duoc-bo-roi-nguoi-khuyet-tat/20170405102743925p1c859.htm.